Posts tagged ‘karate’

November 5, 2013

Vietnhatclub – Thi lên đai lần II năm 2013

Vào ngày 6/10 năm 2013, kì thi lên đai lần thứ II của Câu lạc bộ Võ Thuật Việt Nhật đã được tổ chức và thành công tốt đẹp. Với hơn 120 học viên từ nhỏ đến lớn tham gia, dù đông nhưng kì thi diễn ra rất nghiêm túc. Theo sự hướng dẫn của ban tổ chức và các huấn luyện viên, các học viên lần lượt thực hiện các bài thi của mình. Bạn nào cũng cố gắng thể hiện hết khả năng của mình. Trên khán đài, các phụ huynh chăm chú theo dõi phần thi và không quên ủng hộ cho các phần thi xuất sắc cũng như cổ vũ cho các bạn nhỏ thực hiện tốt phần thi của mình.

Đây là kì thi lên đai có quy mô lớn nhát và thành công nhất từ trước đến nay của câu lạc bộ. Sau đây là một số hình ảnh và cảm nghĩ của phụ huynh về cuộc thi:

Anh Hoang Linh: “Chúc mừng con zai vượt qua kỳ thi lên đai. Một năm nữa nhà mình sẽ quay lại đây để thi lên đai nữa! Cám ơn công lao dạy dỗ của thầy Bùi Việt Bằng và các anh chị trợ giảng ở Vietnhat Club!”

Chị Thuong Nguyen: “Một kỳ thi rất nghiêm túc, chất lượng và đầy hứng khởi! Cảm ơn VNC, cảm ơn các Thày, Cô đã tổ chức cho các con kỳ thi tuyệt vời này!!! “

Chị Thai Thanh Hoang Thi: “Một kỳ thi lên đai thật sôi nổi. Hai bạn Hồng Sơn và Hồng Lân đã được lên đai xanh nước biển nhạt, cùng với cả anh Hoàng Tuấn và mẹ Thủy. Mẹ Thanh và anh Hồng Minh đợt này rớt lại đai vàng rùi, bây giờ sẽ cùng nhóm tập với bạn Bin và bạn Chụt, phải cố gắng tập luyện nhiều mới đuổi kịp hai em và mọi người!”

Anh Tiêu Phong: “Kỳ thi lên đai thứ 2 của Minh Hiếu tại Vietnhat Club diễn ra tốt đẹp với kết quả bất ngờ. Cảm ơn thầy Bui Viet Bang, thầy Tien Dung Pham, chị Nghiêm Thu Huyền đã cho em kết quả hôm nay. Em sẽ quyết tâm rèn luyện để đạt những thành tích tốt hơn nữa”

 

 


Chúc mừng các võ sinh được phong đai kỳ này

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật

“Học võ là học đạo”

October 1, 2013

Karate-jutsu và Karate-do

Từ Jutsu trong Karate-jutsu thường được dùng để chỉ phần kĩ thuật của Karate. Nó là phần “nghệ thuật” của Karate : khả năng luyện tập một kĩ thuật và áp dụng nó vào đời sống.
Từ Do trong Karate-do có nghĩa là “đạo”, để chỉ phần thái độ, triết lý hay sự phát triển tính cách của Karate. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: “phần nào quan trọng hơn, đáng để ta học hơn, Jutsu hay Do” ?

Ý tôi là ta nên chú trọng học phần kĩ thuật của Karate, hay ta cần chú trọng việc phát triển nhân cách, sự khiêm nhường, tôn trọng người khác ?

Jutsu hay Do quan trọng hơn?

Tôi tin rằng cả Karate-do và Karate-jutsu đều phải đồng thời tồn tại trong một karate-ka. Chúng ta cần phải hoàn thiện cả hai mặt của một đồng xu – rèn luyện và tập trung hoàn thiện các kĩ thuật, và cùng với đó, phát triển nhân cách và tinh thần để ta có thể trở thành một công dân tốt. Tôi tin chắc rằng có nhiều người có thể tập trung vào phần Jutsu khi ở võ đường, nhưng họ lại không thể hiện phần Do khi ra khỏi võ đường. Trong thời gian tập luyện, tôi đã gặp rất nhiều võ sĩ, và phải nói thật là rất nhiều trong số bọn họ đã bỏ lại cái đai của mình ở võ đường. Mỗi người bọn họ như hai người khác nhau. Ở võ đường, họ thể hiện sự kính trọng, tính kỉ luật và phép lịch sự. Nhưng đến lúc ra khỏi võ đường, họ trở lại thành con người thật của họ. Họ nói xấu người khác ( vì ghen ghét hay đơn thuần là tính tự cao), họ chửi bậy nơi công cộng, họ tự cao tự đại, và chẳng quan tâm gì tới những giá trị mà họ học được ở võ đường.

Chắc chắn rằng, việc tập luyện là để nâng cao khả năng tự vệ, nhưng đó không phải là mục đích chính duy nhất. Nếu bạn luyện tập chỉ để tự vệ, mà chẳng bao giờ phải sử dụng đến nó, chẳng phải tiền học bạn bỏ ra là phí phạm sao ? Có thể bạn còn ngông cuồng tìm đến nguy hiểm, chỉ để có cơ hội sử dụng những kĩ năng đánh nhau mình học được. Dù vậy, nếu một người dành thời gian luyện tập Karate để phát triển hết những thứ mà Karate đem lại, thì nó sẽ trở thành một sự đầu tư đúng đắn. Những người chỉ trích chữ Do đã tranh cãi rằng, nếu Karate giống như một “cách sống”, tại sao luôn luôn phải có phần Jutsu, ví dụ như những cú đấm, đá, đỡ gạt. Ở mức độ đơn giản, ta có thể tranh luận rằng, việc luyện tập đều phải liên quan đến Jutsu. Nhưng chỉ với chút nỗ lực, ta có thể hiểu sâu hơn. Ví dụ như tư thế ngồi kéo dài trong Sumo cũng có thể phát triển những đặc điểm như sự quyết tâm, tính kỉ luật, giống như chính sự phát triển của thế tấn ấy.

Jutsu và Sự hoàn hảo
Vì sao ta lại tìm kiếm sự hoàn thiện trong Kĩ Thuật của ta ? Bởi vì nó sẽ tạo cho ta thói quen tìm kiếm sự hoàn thiện. Chẳng bao giờ có thể có được sự hoàn thiên, nhưng thói quen theo đuổi sự hoàn thiện khiến cho chúng ta, loài người, luôn mong muốn được tiếp tục cố gắng phấn đấu để có thể trở thành cái gì đó tốt hơn. Hãy để tâm trí mở rộng khi luyện tập, và ta sẽ thấy được Đạo trong gần như mọi Kĩ Thuật.

Cách nghĩ này không mới, nó đã có từ khi có Karate. Quá trình chuyển đổi từ Karate-Jutsu sang Karate-Do diễn ra sau khi thầy Gichin Funakoshi ( ông tổ của Karate hiện đại) rời Okinawa để giới thiệu Karate đến vùng đất liền của Nhật Bản. Lúc này, những môn võ thuật chính của Nhật Bản là Judo ( Nhu đạo) , Kendo (Kiếm đạo) và Sumo. Thầy Funakoshi đã thúc đẩy giá trị của môn võ thuật Okinawa (Karate) thành một phương thức tự trau dồi bản thân, một cách ngâng cao sức mạnh tinh thần và sức khỏe. Thầy đã trở thành chuyên gia giảng dạy về Karate tại các trường đại học Nhật Bản và mở rộng phạm vi những người nên tập luyện võ thuật. Thầy đã nói rằng Karate phải đủ đơn giản để luyện tập mà không gặp khó khăn dù, cho dù là với người già hay trẻ em, con trai hay con gái, đàn ông hay phụ nữ.

Khi còn nhỏ, thầy Funakoshi rất yếu ớt. Luyện tập Karate đã đóng vai trò quan trọng từ lúc thầy là một đứa trẻ yếu ớt đến khi trở thành một người khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Đây có thể là một yếu tố lớn trong sự nhận thức độc đáo và đặc biệt của thầy về luyện tập võ thuật. Thầy từng nói rằng, Karate không chỉ đơn thuần là một môn thể thao, dạy cách đấm, đá, mà nó còn là hàng phòng thủ trước ốm đau bệnh tật .

Do và Cách sống

Chúng ta đang luyện tập võ thuật một cách cơ bản. Nhưng Karate phải trở thành một cách sống đối với tất cả những người luyện tập, với mục tiêu hàng đầu là sử dụng những bài tập để giúp phát triển nhân cách. Hiểu được chữ Do trong Karate-Do mới chỉ là bước đầu tiên. Thách thức thực sự là phải sống theo nó. Mục đích của Karate không phải để học cách tự vệ và hi vọng một ngày nào đó bạn sẽ sử dụng chúng, mà là học cách tự vệ, cùng với đó là học cách điều khiển cảm xúc, để đến khi cuộc sống cho bạn cơ hội để sử dụng các kĩ năng tự vệ, thì bạn lại chẳng cần dùng đến những kĩ năng ấy để giải quyết vấn đề nữa.

Cuộc sống là một cuộc đấu tranh để giúp bản thân luôn tích cực và giữ cái nhìn lành mạnh. Ngoài kia có rất nhiều những thứ tiêu cực luôn muốn áp đảo bản chất tích cực trong mỗi con người. Vì vậy, trong Karate, ta học được cách tự vệ, và từ đó, ta phát triển sự tự tin vào bản thân. Kĩ năng tự vệ, dù cho có thực dụng thế nào, liệu có phải là thứ giúp ta nâng cao giá trị bản thân? Phải chăng có mối liên hệ nào giữa điều này với sự thật rằng trong cuộc sống, ta cũng được học cách đấu tranh vì bản thân, vì quyền được hạnh phúc và tự tin ? Thú vị đúng không …. ?

Một trong những câu nói rất nổi tiếng của thầy Funakoshi là : “chế ngự đối thủ mà không cần sử dụng vũ lực chính là kĩ năng tối thượng”. Ngay cả trong câu nói của một trong những vị võ sư có ảnh hướng lớn nhất trong lịch sử, thông điệp gửi đến vẫn là phải kiềm chế cách hành vi bạo lực. “Do” đã vượt qua “Jutsu” . Một trận đối đầu trong hòa bình vẫn đem lại chiến thắng cho cả Đạo và Thuật. Cả hai đã cùng kết hợp lại và tạo ra một kết quả tuyệt vời.

Kết luận
Điều quan trọng là ta phải thấy được bản chất thực sự của “Đạo” và “Thuật” trong Karate. Đó chính là mục tiêu của ta. Hãy để Karate là thứ dạy bạn về bản thân mình. Karate sẽ đẩy bạn tới một giới hạn mới và hơn thế nữa, Karate sẽ cho bạn đối mặt với sợ hãi và mong muốn rằng bạn sẽ trưởng thành hơn về cả thể chất lẫn tinh thần. Khi ta liệt kê hết ra, nếu không có Do thì Jutsu sẽ có những giới hạn. Bạn có thể có trình độ cao nhất, nhưng không có sự trưởng thành về mặt tính cách, bạn sẽ không thể thấy được lợi ích quan trọng nhất trong cuộc hành trình Karate của mình.

Sưu Tầm và Dịch: Nguyễn Sỹ Hoài Nam

October 1, 2013

Thông báo về việc thi lên đai lần II năm 2013

Phụ huynh và học viên thân mến,
Mỗi năm 2 lần, Vietnhatclub sẽ tổ chức kỳ thi lên cấp, lên đai cho các học viên đủ điều kiện. Đây cũng là dịp để các bạn tự kiểm tra năng lực, trình độ của mình sau quãng thời gian luyện tập đủ dài.

Những bạn sẽ được thi lên cấp/đai phải đầy đủ các yêu cầu sau:
– Tích lũy đủ thời gian tập luyện đối với màu đai của mình
– Trình độ đạt yêu cầu (Sẽ do HLV phụ trách quyết định)

Vietnhatclub sẽ tổ chức thi lên cấp lần 2 năm 2013 :
Thời gian: 4h ngày 6 tháng 10 năm 2013
Địa điểm: Nhà thi đấu thể thao – Trường Quốc Tế Hà Nội Academy – Khu đô thị Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội
Lệ phí thi lên đai: 250.000 VNĐ

Đề nghị các bạn học viên tích cực tập luyện để chuẩn bị cho kì thi lên đai sắp tới.

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật
“Học võ là học đạo”

October 1, 2013

Hình ảnh từ “Trung thu cùng Karate 2013”

Chương trình “Trung thu cùng Karate 2013” của Vietnhatclub đã diễn ra thành công và vui vẻ.

Hơn 100 học viên, phụ huynh và người thân đã đến tham gia Trung thu cùng CLB. Vietnhatclub xin gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người.

Sau đây là 1 số hình ảnh từ chương trình:

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật
“Học võ là học đạo”

October 1, 2013

Karate For Life – Vinh 2013

Trong khuôn khổ chương trình “Karate For Life”, Thầy Bằng và thầy Kai vừa có chuyến đi thăm, giao lưu và giảng dạy Karatedo tại Vinh đầu tháng 9/2013 vừa rồi.

Sau đây là một vài hình ảnh từ chuyến đi:

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật
“Học võ là học đạo”
August 28, 2013

Làm thế nào để không bao giờ mất đi động lực tập Karate

Tôi từng đọc được một câu nói rất thú vị:

“Chẳng có gì gọi là động lực cả. Chỉ có “tình yêu” thôi. Nếu bạn thực sự yêu thích một thứ gì đó, ban sẽ luôn tìm được cách để làm nó.”

Có thể đúng ….

Ngoại trừ việc cuộc sống không phải bộ phim Disney. Vậy nên đời không như câu nói đó.

Bạn yêu Karate, đúng không?

Bạn đam mê luyện tập và nâng cao kĩ năng bản thân. Bạn thích được đổ mồ hôi trong võ đường. Bạn âm thầm ngưỡng mộ những vết thâm tím trên cơ thể mình. Tôi biết bạn thế mà, bởi vì tôi cũng giống bạn.

Nhưng đôi khi, bạn lại mất đi sự đam mê.

Thi thoảng, bạn cảm thấy luyện tập là thứ ít thú vị nhất. Bạn mệt. Bạn muốn nghỉ ngơi. Bạn muốn ăn. Bạn muốn xem phim. Bạn muốn đi chơi với bạn bè, con cái hay họ hàng. Bạn muốn làm việc. Bạn muốn đi mua sắm. Bạn muốn chơi điện tử…..

Và thế là bạn quyết định nghỉ Karate, chỉ một buổi thôi.

Chẳng thành vấn đề, đúng không ?
Sai rồi.

Bạn thấy đấy, cho dù bạn chưa biết, nhưng bạn vừa mới tạo dựng một thói
quen. Một thói quen rất tồi tệ. Bởi vì dần đàn, bạn sẽ tìm thêm nhiều lý do để có thể nghỉ tập. Tôi không nói điều này xảy ra với tất cả mọi người, nhưng khi nó xảy đến, nó sẽ bắt đầu bằng những thứ sau:

• “Mình bị đau đầu.”
• “Mình có việc phải làm.”
• “Đằng nào thì mình cũng muộn thôi.”
• “Ngón chân mình đau quá.”

Với tư cách là một huấn luyện viên, tôi đã gặp tất cả những lý do trên rồi.
Trừ khi những người nói trên có một tâm lý vững chắc, thì hậu quả không thể tránh khỏi luôn luôn là: Một người nào đó rất YÊU Karate, bỗng nhiên đùng một cái, họ bỏ tập.

Thói quen nghỉ tập ngày một nhiều trở nên tiện lợi đến mức chẳng có ai muốn từ bỏ thói quen mới này để nhận lại những lợi ích khi ta quay trở lại tập luyện tại võ đường thân quen.

Và đó chính là cách bạn làm mất đam mê luyện tập

Tin tôi đi, điều này có thể xảy ra với bất cứ ai.

Bạn thấy đấy, khi nhắc đến việc duy trì động lực tập Karate, dù bạn đai đen hay đai trắng, gái hay trai, trẻ hay già, cần nhiều hơn là chỉ “yêu” Karate. Tình yêu là không đủ. Nó dễ thương đấy, nhưng không đủ. Không phải bây giờ.

Bạn cần thứ gì hơn thế nữa.

Một công thức đặc biệt

Một bản thiết kế.

Một cách không chỉ để giữ động lực tập luyện hằng ngày, mà nó còn đảm bảo bạn sẽ không bao giờ có cái ý nghĩ “tôi nghĩ tôi sẽ nghỉ tập, chỉ hôm nay thôi”, điều mà như tôi vừa nói, sẽ tích tụ dần và trở nên nghiêm trọng, dẫn đến việc việc bỏ tập Karate chẳng hạn.

Đầu tiên, để làm rõ vấn đề, ta cần hiểu được điều căn bản.

Động lực chia làm 2 loại
• Động lực ngoại sinh
• Động lực nội sinh

Động lực ngoại sinh là những gì xảy ra bên ngoài bạn.
Động lực nội sinh là những gì xảy ra bên trong bạn.

Để có được những thành công ngắn hạn, đặc biệt là trong giới kinh doanh, động lực ngoại sinh có thể hoạt động rất hiệu quả. Bạn có thể đạt được nhiều lợi ích như tiền, giá trị xã hội, phần thưởng, vân vân.

Nhưng Karate không phải là kinh doanh.

Chính vì thế, ta cần động lực nội sinh – dể đảm bảo thành công dài hạn.
Và với loại động lực xuất phát từ bên trong, có 3 điều bạn cần khám phá để đảm bảo rằng động lực luôn đạt mức cao nhất (cần nhớ rằng những điều này cũng có giá trị khi bạn tạo động lực cho người khác. Vì thế, nếu bạn là giáo viên, huấn luyện viên, võ sư, CEO hay cha mẹ, hãy chú ý kĩ).

#1: Sự Tự Chủ

Sự Tự Chủ là mong muốn được tự định hướng con đường cho bản thân mình.
Nhưng nó không có nghĩa là ta luôn cần tự làm mọi việc. Ta vẫn cần phải được dạy bảo bởi sư phụ, được chỉ dẫn những kĩ thuật đúng và được đẩy tới giới hạn của bản thân.

Thực ra đó là câu trả lời ngốc ngếch.

Sự Tự Chủ thực ra là:
Ta không bao giờ được cảm thấy bị bắt buộc.
Nếu ta cảm thấy ta có thể điều khiển tình huống của chính mình, ta sẽ cảm thấy có động lực để bắt đầu, tiếp tục và hoàn thành công việc. Vì sao? Bởi vì ta biết rằng tất cả những quyết định đều do chính ta tạo ra.

Như một câu thành ngữ, bạn có thể đưa con ngựa đến chỗ có nước nhưng không thể bắt nó uống nước được.

Và bạn cũng không nên bắt nó uống nước.

Nếu không, nó sẽ quên mất cảm giác thích thú khi uống nước.

Để chắc chắn rằng bạn luôn có được sự tự chủ trong Karate, nhất là khi bạn thực hiện mục tiêu – cho dù nó là thi đấu, thi lên đai, giảm béo, thêm sự tự tin hay chỉ là tìm kiếm niềm vui. Hãy chắc chắn rằng bạn chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những quyết định của bản thân.

Không thì động lực của bạn sẽ dần dần biến mất…..

#2:Sự Thành Thạo

Sự Thành Thạo là nhận thức được ta đang ở đâu trong quá trình tập luyện Karate.

Đó là lý do vì sao việc các Sư phụ cho võ sinh của mình biết lúc nào họ tiến bộ là một điều rất quan trọng. Chúng ta cần biết ta đang ở đâu trên con đường hướng tới sự Thành Thạo – điều mà đã được biểu tượng hóa thành chiếc đai đen.

Và đương nhiên, sự nhận thức mà thiếu đi việc tiếp tục tiến bộ, tiếp tục học hỏi những thứ khác sẽ gây ra Hội chứng Đai Đen.
(Bạn biết đấy, khi mà bạn cảm thấy thỏa mãn với chiếc đai đen của mình, tự dưng bạn sẽ mất hết động lực để luyện tập, bởi vì lúc đó, dường như bạn chẳng còn thấy kĩ thuật nào hay ho để tiếp tục luyện tập nữa.)

Nói cách khác, bạn cần thường xuyên trải nghiệm cảm giác thành thạo những thứ nhỏ nhặt trong khi vẫn hướng tới việc thành thạo những thứ lớn hơn.
Hãy chắc rằng bạn luôn học tập hoặc phát triển thứ gì đó, từ bất cứ ai.

Không thì động lực của bạn sẽ dần dần biến mất…..

#3: Mục Đích

Cuối cùng, chúng ta có Mục Đích

Cái tên nói lên tất cả.

Nếu ta không tìm thấy mục đích cho những việc ta làm, ta sẽ chẳng bao giờ thấy được ý nghĩa của nó.

Và khi những việc ta làm là vô nghĩa, ta sẽ dần mất đi động lực.

Chỉ đơn giản vậy thôi.

Ta cần Mục Đích để giữ được động lực, và mục đích ấy phải có ý nghĩa. Ta cần biết vì sao ta làm việc, và việc đó sẽ đưa ta đến đâu nếu ta tiếp tục theo đuổi. Chính vì thế, kiến thức là rất quan trọng – nó chính là nhiên liệu cho Mục Đích của ta.

Hãy chắc rằng ta biết rõ Mục đích của chuyến đi, cho dù nó dẫn đến bất kì đâu.

Không thì động lực của bạn sẽ dần dần biến mất…..

Đó là tất cả.
Nếu bạn thành công trong việc tạo ra Động lực nội sinh, bằng cách luôn giữ trong tâm trí Sự Tự Chủ, Sự Thành Thạo và Mục Đích – trong khi đặt các giá trị nhỏ bé như điểm số, huy chương làm Động lực ngoại sinh, bạn sẽ luôn luôn giữ được động lực.

Và đó là lúc mà niềm đam mê tập luyện của bạn trở thành một thế lực không thể nào bị bẻ cong.

Hãy bắt đầu thực hiện nó ngay ngày hôm nay.

Nguồn: KaratebyJesse
Dịch: Nguyễn Sỹ Hoài Nam

Nguồn:  KaratebyJesse
August 12, 2013

Nguyễn Xuân Hiển – Cao thủ cờ nhí luyện võ

Một trong những mong muốn lớn nhất của Vietnhatclub là tất cả các học viên đều trở thành những nhà vô địch tương lai, không chỉ với môn võ karatedo mà còn ở các lĩnh vực khác trong cuộc sống mà các em theo đuổi.

Đến với Karatedo có khi trước cả cờ vua, từ khi 5 tuổi, tại cơ sở Vietnhatclub Hanoi Amsterdam, Nguyễn Xuân Hiển là 1 trong 2 bạn nhỏ duy nhất đã kiên trì vượt qua một trong những mùa đông lạnh lẽo nhất tại Hanoi Amsterdam, khi mà có những buổi tập, trời lạnh như cắt, các bạn vừa sịt mũi, vừa chạy. Thế mà chạy đến 10 vòng rồi vẫn thấy lạnh. Những buổi tập thể lực, mà mỗi đứa trẻ làm đến gần 80 cái cơ bụng trong phần thể lực.

Chính những trải nghiệm không thể quên đó đã giúp Hiển rèn luyện bản lĩnh, ý chí để vững bước vào con đường thi đấu cờ vua.

Giờ đã 7 tuổi, sau hơn 1 năm miệt mài học hỏi và thi đấu, những thành tích Hiển đạt được là niềm mơ ước của phần lớn các bạn đang theo đuổi môn cờ vua:

– HCV cờ vua Hội khỏe Phù Đổng thành phố HN năm 2013

– HCV cúp cờ nhanh Giải Kim Đồng 2013

– HCB Lễ hội cờ vua Thăng Long 2013

Để duy trì và phát triển đam mê Cờ, Hiển còn tham gia các môn như Bơi lội và Piano. Các môn này cùng với Võ thuật đã giúp Hiển rèn luyện ác đức tính và phẩm chất cần có cho việc thi đấu cờ vua như khả năng nỗ lực, kiên trì và tính sáng tạo.

Hiện tại, tuy rất bận rộn với việc học tập ở trường và liên tục phải đi thi đấu xa, nhưng Hiển vẫn dành thời gian theo đuổi tập luyện Karatedo.

Vietnhatclub chúc Hiển luôn vững vàng và thành công.

Xuân Hiển (HCV), hàng dưới cùng bên phải

Tập trung suy nghĩ trước mỗi nước cờ

Xuân Hiển, trong kỳ thi lên cấp Karatedo 03.2013

Ngoài Cờ và Karatedo, Hiển còn rất thích Piano

 

Đôi nét về Cao thủ cờ nhí: Nguyễn Xuân Hiển

– Hiển sinh ngày 24/6/2006.

– Thành tích đạt được: HCV cờ vua Hội khỏe Phù Đổng thành phố HN năm 2013, HCV và cúp cờ nhanh giải Kim Đồng 2013, HCB Lễ hội cờ vua Thăng Long 2013.

– Sở thích: cờ vua, bơi lội, karate và piano. Thích đọc sách truyện dành cho thiếu nhi, trong đó yêu thích nhất là nhân vật Mèo máy thông minh Doraemon.

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật

“Học võ là học đạo”

August 12, 2013

Trịnh Minh Vũ – Tân sinh viên có vốn liếng hơn 10 năm tập luyện Karate

Có một điều mừng là trong kỳ thi đại học vừa qua, phần lớn những võ sinh lâu năm của Vietnhatclub đều đã vượt qua ải vũ môn 1 cách xuất sắc.

Một trong số đó là bạn Trịnh Minh Vũ. Có thể nói, Trịnh Minh Vũ là võ sinh giỏi nhất của Vietnhatclub cho đến lúc này. Vũ bắt đâu tham gia tâp luyên tại Vietnhatclub khi gần 7 tuổi. Khi mới bắt đầu , hình ảnh của Vũ là một cậu bé còi cọc, nhút nhát, cháu đích tôn của môt dòng họ ở làng Liễu Giai. Sau 10 năm theo đuổi tập luyện Karate , với sự kiên trì bền bỉ và sự nghiêm khắc trong rèn luyện Vũ đã có những thành tích đáng kể trong các giải thi đấu Karate Phong trào tại Hà nội và quốc gia.

Cũng với tinh thần & tính cách mạnh mẽ, bền bỉ của một người luyện võ trong nhiều năm, Vũ đã thành công trong kỳ thi đại học vừa qua và trúng tuyển vào trường đại học Tài Nguyên Môi Trường, niềm yêu thích từ lâu của Vũ.

Hiện tại khi đã trở thành sinh viên, Vietnhatclub tin tưởng rằng Vũ có đủ sức mạnh, sự tự tin và bền bỉ để đón nhận và chinh phục bất kỳ thử thách nào phía trước.

Sau kỳ thi đại học vừa qua, Vũ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Thầy chủ nhiệm khi đưa Vũ vào vai trò mới tại Vietnhatclub .
– Đội trưởng Vietnhatclub Team
– Theo học lớp Huấn luyện viên tại Vietnhatclub Centre

Chúc Vũ luôn vui vẻ và thành công!

Trịnh Minh Vũ – HCV Cúp các CLB mạnh Quốc gia lứa tuổi 14

Trịnh Minh Vũ hiện tại đã thành SV và tiếp tục tham gia tập luyện

Thông tin về Trịnh Minh Vũ:
– Sinh năm: 1995
– Bắt đầu tập luyện lúc 7 tuổi
– Số năm tập luyện Karate : 11 năm
– Trình độ hiện tại : Đai nâu Kuyu 1
– Thành tích :

  • Huy chương vàng lứa tuổi 14 giải Cúp các câu lạc bộ mạnh tòan quốc
  • Huy Chương Vàng giải học sinh Hà Nội cấp tiểu học, Trung học phổ thông
  • Huy Chương bạc giải học sinh Hà Nội cấp Trung học
  • 02 Huy chương vàng giải Vietnhatclub 2011

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật

“Học võ là học đạo”

August 4, 2013

Zanshin & Mushin

Như mọi người đã biết, điểu khiển tâm trí của mình là thử thách khó nhất của con người. Điều đó là do “chiếc máy tính” đầu óc của chúng ta thiếu bàn phím để có thể lập trình và điều khiển trực tiếp; có thể ta biết chính xác ta muốn tâm trí ta làm gì, nhưng ta lại không thể tìm được cách để điều khiển nó, bắt nó làm theo ý mình. Chẳng có nút nào để ta bấm cả.

MushinZanshin là 2 khái niệm liên quan đến thiền, quan trọng không chỉ trong Karate mà còn trong mọi môn võ thuật khác. Bất cứ ai muốn trở thành một võ sĩ giỏi, có hay không có vũ khí, phải thuần thục 2 yếu tố này. Nhưng điều đó không hề dễ dàng.

Mushin

Mushin dịch ra có nghĩa là “Không suy nghĩ” hay “Đầu óc trống rỗng”, nghe giống như là định nghĩa của sự ngu dốt. Nhưng ý nghĩa thật của nó không phải là không có kiến thức hay không có kĩ năng, mà hoàn toàn trái ngược. Nó dùng để chỉ việc xóa khỏi tâm trí sự phân tâm, lo toan, những kế hoạch và những dòng suy nghĩ khác trước khi bước vào một trận đấu. Điều này giải phóng các neuron thần kinh để sẵn sàng tính toán những hành động một cách tức thì khi thời điểm quan trọng tới. Mushin là sự ngăn chặn tất cả các suy nghĩ về bất cứ thứ gì khi bạn chuẩn bị chiến đấu, và tâm trí bạn chỉ tập trung vào một thứ duy nhất: đối thủ của bạn. Sau đó thì những cú đấm, đã, đỡ của bạn sẽ tự xuất hiện.

Mushin cũng tương tự như một câu ẩn dụ của người phương Đông: Mizu no kokoro, hay dịch là “tâm như mặt nước”. Câu này diễn tả trạng thái tâm trí giống như một hồ nước tĩnh lặng, không một gợn sóng suy nghĩ, lo âu. Trong trạng thái này, hồ nước lặng yên phản chiếu hình ảnh xung quanh hoàn hảo như soi trong một tấm gương. Nếu ta ném 1 hòn đã xuống mặt nước, lập tức những hình ảnh phản chiếu sẽ bị méo mó, giống như khi ta mất tập trung vào trận đấu, mất tập trung vào đối thủ, ngay lập tức, những đòn tấn công, phòng thủ của ta sẽ chậm chạp đi rất nhiều.

Cũng như vậy, câu “Tsuki no kokoro”, “tâm như mặt trăng”, diễn tả trạng thái đầu óc hoàn toàn trống rỗng, không nghĩ về bất cứ thứ gì, không quan tâm đến bất kì chi tiết gì cụ thể, giống như ánh sáng của mặt trăng, chiếu ánh sáng nhẹ nhàng lên tất cả sự vật, không hề ưu tiên bất kì thứ gì. Với một võ sĩ Karate phải như mặt trăng, nhìn đối thủ một cách toàn diện, tổng thể chứ không chỉ chăm chăm nhìn vào một phần nào đó.

Zanshin

Ở Việt Nam, Mọi người thường hiểu Zanshin là ý thức tự bảo vệ bản thân sau khi ra đòn. Nhưng thực tế Zanshin còn có nhiều ý nghĩa khác.

Zanshin dịch ra là “định tâm”,luôn luôn giữ được trạng thái nhận thức và sự sẵn sàng cao độ, và nó được phản chiếu qua sự tập trung của một võ sĩ khi người võ sĩ lùi lại, giữ vững tư thế phòng thủ sau mỗi lần ghi điểm, sẵn sàng tấn công hoặc phản đòn; và nhiều trọng tài dựa vào điều đó để cho điểm đòn tấn công. Khi biểu diễn Kata, Zanshin được dùng để chỉ sự biến chuyển từ kĩ thuật này sang kĩ thuật khác, không bao giờ mất đi sự tập trung và sẵn sàng.

Làm sao để luyện tập Zanshin & Mushin
Nguồn gốc của Mushin bắt nguồn từ việc luyện tập Zazen của Thiền, được tập trong trạng thái ngồi bất động. Giống như Mushin, Zazen cũng là sự tĩnh lặng của tâm trí, trong khi vẫn hoàn toàn có thể nhận thức được mọi thứ xung quanh. Zazen không được coi là một bài tập tâm trí hay một phương pháp thiền. Zazen được mô tả là “suy nghĩ mà không suy nghĩ”, trạng thái suy nghĩ trong vô thức. Trang thái Zazen hoàn hảo được cho là mang trong đó satori, hay “tâm trí tự do thuần túy”. Trạng thái này là một trạng thái hoàn hảo trong chiến đấu, và qua đó, các võ sĩ Nhật cổ hoàn thiện những bài tập của họ. Chính vì thế, Zazen còn được gọi là “tôn giáo của samurai”, mặc dù nó không hẳn tôn giáo, mà chỉ là một bài luyện tập.

Với MushinZanshin, một võ sĩ giỏi có thể biết được đối thủ của họ có giữ được trạng thái giống như họ hay không. Sự mất tập trung nhất thời của bất cứ bên nào sẽ tạo ra sơ hở, được gọi là suki, và trong khoảnh khắc ấy, người võ sĩ không thể kịp thời phản lại đòn tấn công từ một đối thủ vẫn trong trạng thái Mushin.

Xóa sạch tất cả suy nghĩ khỏi tâm trí, giữ cho nó trống rỗng để nâng cao trạng thái sẵn sàng là không hề dễ. Não bộ của chúng ta không quen với cách làm việc như vậy. Não chúng ta đã quen với việc xử lí nhiều thứ thông tin, tính toán nhiều cấp độ cùng một lúc. Trong khi chuẩn bị một trận đấu đối kháng trong võ đường, ta có thể bị phân tâm bởi cảnh vật và tiếng động ở xung quanh, sự thay đổi của khán giả, của sư phụ hoặc là của nhiệt độ, có gì đang diễn ra ở võ đài bện cạnh, cảm xúc của ta, đối thủ của ta là ai, nên sử dụng chiến thuật gì, và vân vân. Tất cả những suy nghĩ này chiếm hết chỗ trong “chiếc máy tính” não bộ, khiến ta không thể tập trung vào trận đấu. Giống như tất cả các máy tính khác, ta càng ít tập trung vào một vấn đề, ta càng chậm chạp và “ngu ngốc”. Ý tưởng ấy được gói gọn trong câu thành ngữ cổ của Thiền phái như sau:

“Khi một mắt nhìn về đích đến, ta sẽ chỉ còn một mắt để tìm đường đi”


Một vài điểm thú vị về Mushin

1. Cá nhân tôi tin vào sự liên quan giữa Mushin và một hiện tượng được biết đến là “kẻ ngốc thiên tài”. Đó là những người bị thiểu năng trí tuệ, nhưng họ có thể làm một việc gì đó, thường là những việc tầm thường, một cách cực gì xuất sắc. Những người này dường như đã mất khả năng truy cập hệ thống tính toán và suy nghĩ thông thường của não bộ, từ đó giảm thiểu trí tuệ của họ. Nhưng đối với 1 số vấn đề đặc biệt (tính toán những con số khủng lồ, hay tính được một ngày bất kì trong lịch sử là thứ mấy, .…), họ tìm được một cửa sổ nhỏ để truy cập vào những tế bào não không được sử dụng, và dùng tất cả để giải quyết 1 vấn đề duy nhất. Kết quả là họ có thể tính toán, giải quyết một vấn đề nào đó với trí tuệ thiên tài.

Một võ sĩ đã thuần thục Mushin có thể tạo ra trạng thái trí não giống như hiện tượng “kẻ ngốc thiên tài”. Và nhờ cách này, người võ sĩ có thể trở thành thiên tài đấu võ trong một vài phút. Thời gian phản ứng được giảm đi đáng kể, và những tính toán về cách phản ứng và phản đòn hợp lý được thực hiện với tốc độ ánh sáng, quá nhanh cho bất kì suy nghĩ có ý thức nào có thể theo kịp. Điều này có lẽ là do những tính toán bị phá vỡ thành từng mảnh, được xử lí cùng một lúc, và vì thế không hề có bất cứ dòng suy nghĩ nào. Những câu trả lời tự dưng xuất hiện một cách thần kì, chỉ trong nháy mắt.

2. Một hiện tượng có liên quan khác (với các Karateka thì có thể sẽ quen thuộc hơn) là những tình huống nguy cấp “quay chậm”. Hiện tượng này thường xảy ra trong những tình huống nguy hiểm như tai nạn ô tô hay một cú ngã. Tự dưng, tất cả mọi thứ dường như chậm lại, và cơ thể ta chuyển động chậm chạp. Rõ ràng là thế giới không chậm lại, mà ta cảm nhận như vậy vì trong một khoảnh khắc, tâm trí đang sợ hãi của ta tập trung tất cả vào một điều duy nhất. Thời gian tính toán giảm tới mức tối thiểu và tốc độ suy nghĩ tăng đến mức tối đa. Với Mushin, người võ sĩ tự tạo ra trạng thái tinh thần lúc cần thiết, chứ không phải là chỉ lúc sợ hãi. Điều này cho người võ sĩ đã thuần thục Mushin một lợi thế khủng lồ, vì lúc đó, họ có thể suy nghĩ nhanh hơn người khác nhiều lần.

Mọi võ sinh đều có khả năng điều khiển tâm trí của mình. Hãy bắt đầu với việc ngồi khoanh chân (seiza) một cách im lặng và giữ cho tâm trí minh mẫn nhưng tự do khỏi dòng suy nghĩ. Với tư thế tấn Kiba-dachi, lúc đầu ta sẽ chỉ có thể giữ được trạng thái này một vài giây. Nhưng sau một thời gian tập luyện chăm chỉ, hãy thử nó ở trận giao đấu tiếp theo. Với sự kiên trì, Mushin và Zanshin có thể được hoàn thiện, và việc chinh phục được bản thân sẽ làm tăng thêm niềm vui khi tập luyện.

Nguồn: Wendell E. Wilson
Dịch: Nguyễn Sỹ Hoài Nam – Vietnhatclub

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật
“Học võ là học đạo”

 

 
July 23, 2013

3 bài tập đơn giản giúp nâng cao kĩ năng Karate của bạn

Đã bao giờ bạn nghe câu thành ngữ cổ của Trung Quốc này chưa:

Nói cho tôi – Tôi sẽ quên
Chỉ cho tôi – Tôi sẽ nhớ
Cho tôi làm – Tôi sẽ hiểu

Câu này có thể áp dụng được vào tất cả mọi thứ trong cuộc sống.
Trong karate cũng thế.

Bởi vì mặc dù bạn có thể hiểu được rất nhiều điều khi nghe và quan sát sư phụ bạn, nhưng việc trực tiếp tham gia vào việc đó sẽ khiến bạn tiến bộ rất nhiều.

Sự tiến bộ một cách vững chắc.

Vậy nên cho phép tôi được giúp bạn làm điều đó.
Hôm nay tôi sẽ chỉ cho bạn 3 bài tập đơn giản nhưng hiệu quả giúp cho bạn có thể hiểu rõ một số điểm quan trọng trong Karate.

Những điều mà nếu chỉ nghe và quan sát không thôi thì sẽ không bao giờ bạn có thể hiểu được. Đây là phương pháp dạy mà tôi yêu thích: Dạy cho bạn những bài tập nhanh và thực tế, rồi cho tập những bài tập đó theo từng đôi.

Phần quan trọng nhất là nhắc các võ sinh nhớ sử dụng cả đầu óc phân tích lẫn những cảm nhận để có thể thực sự hiểu thông điệp trong mỗi bài tập.

1. Tư thế Xác ướp Ai Cập

Tôi gọi bài tập này là xác ướp Ai Cập, bởi vì khi tập bạn sẽ nhìn giống xác ướp được vẽ trên những bức tường trong những kim tự tháp cổ ở Ai Cập.
Và đây là những gì cần làm:

1. Đứng 2 chân rộng bằng vai, hai tay giơ sang ngang
2. Nhờ bạn tập ấn 1 tay xuống
3. Cố chống lại lực ấn. Hãy cảm nhận sự khác biệt
4. Bây giờ hãy để chân lên 1 vật gì đó
5. Nhờ bạn tập ấn tay bạn xuống 1 lần nữa và cảm nhận sự khác biệt

Bạn học được gì từ bài tập này?
Tầm quan trọng của liên kết cấu trúc và tư thế cột sống để duy trì và tối ưu hóa khả năng của các cơ bắp không chỉ áp dụng trong lúc bạn đứng yên, mà còn trong tất cả các kĩ thuật Karate.

2.Tư thế Gấu trúc mang bầu

Đến tư thế tiếp theo. Trong bài tập này, ta sẽ nằm. Nhưng đừng để bị lừa, bài tập này có tác dụng với tất cả các động tác Karate, chứ không chỉ là các động tác nằm.
(muốn tôi giải thích về cái tên à, yên tâm đi, bạn sẽ hiểu ngay thôi)

Những điều cần làm:

1. Nằm xuống đất, co chân lại, 2 đầu gối cách nhau.
2. Làm động tác cơ bụng
3. Bạn có cảm thấy khó khăn ko?
4. Sau đó, kẹp chặt 1 vật, như quả bóng chẳng hạn, giữa 2 chân
5. Làm động tác cơ bụng 1 lần nữa, chú ý đến sự khác biệt rõ rệt

Bạn học được gì từ bài tập này?
Tầm quan trọng của các thế tấn trong karate – thông qua những trải nghiệm về vận động cơ bắp vùng dưới cơ thể để nâng cao chức năng của các cơ bắp chính, qua đó trực tiếp nâng cao sức mạnh của vùng cơ thể trên..
( Mách nhỏ: Hãy thử bài tập này ở tư thế đứng, khi bạn đã thành thạo tư thế nằm. Có thể tập cùng với anh em, bố mẹ khi ở nhà)

3.Tư thế Cú đấm hoàn hảo

Cuối cùng thì chúng ta có tư thế “Cú đấm hoàn hảo”
Cái tên nói lên tất cả. Nhưng đừng nhầm nhé, bài tập này không phải dành để luyện nắm đấm, mà để luyện tập toàn bộ cơ thể bạn.

Những điều cần làm:

1. Đứng tấn trước (Zenkutsu-dachi) và đấm
2. Nhờ bạn tập đứng trước nắm đấm, dùng cơ thể đẩy nắm đấm về phía bạn
3. Chống lại lực đẩy ấy, và vẫn giữ nguyên thế tấn
4. Để ý xem phần nào của cơ thể bạn mất tư thế trước.

Bạn học được gì từ bài tập này?

Tầm quan trọng của việc sắp xếp các khớp xương đúng cách khi bạn tập 1 kĩ thuật karate, và cơ bắp nào nên thoải mái/căng ra trong quá trình ấy – cùng với đó là hiểu được chỗ nào trên cơ thể bạn yếu nhất.

(Chú ý: có thể tập bài tập này với tất cả các thế tấn như neko ashi-dachi, kokutsu-dachi, sanchin-dachi , vân vân, với tất cả các đòn như đấm, đỡ cao, gạt dưới, đá, miễn là bạn tập của bạn hiểu rõ hướng lực để có thể đặt lên đó áp lực 1 cách chính xác)

3 bài tập nhanh này đảm bảo sẽ giúp bạn nhiều hơn là chỉ ngồi nghe và xem các sư phụ giảng về những bài giảng quan trọng mà các bài tập trên được tạo ra để truyền đạt.

Bạn đã sẵn sàng thử các bài tập trên chưa?
Hãy tự mình tham gia vào quá trình và làm chủ việc học tập của bạn.
Tất cả chỉ là vấn đề học được điều mấu chốt.
Một khi bạn hiểu rõ được những điều mấu chốt ấy, cánh cửa đến với những kiến thức tuyệt vời về karate sẽ được mở ra trước mắt bạn.

Và lúc đó, bạn sẽ thực sự hiểu ý nghĩa câu thành ngữ Trung Quốc cổ này:
Nói cho tôi – Tôi sẽ quên
Chỉ cho tôi – Tôi sẽ nhớ
Cho tôi làm – Tôi sẽ hiểu

Câu lạc bộ Võ thuật Việt Nhật
“Học võ là học đạo”

 

Nguồn:  Karate by Jesse